Vào năm 1996, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp Quốc (UNESCO) trong vai trò định hướng giáo dục cho các nền giáo dục trên khắp thế giới đã đưa ra 4 trụ cột mục tiêu giáo dục chính yếu sau đây:
1. Learning to KNOW / Học để BIẾT: là học hỏi khám phá để hiểu về thế giới xung quanh như thiên nhiên và xã hội loài người. Đây là kiến thức tổng quát và căn bản từ các môn học. Kết quả đạt được là gặt hái những tri thức thỏa mãn sự tò mò của chúng ta
.
Ví dụ như chúng ta muốn học để hiểu các loài sinh vật sống và phát triển như thế nào, hành tinh chúng ta đang sống gọi là gì và có những gì ngoài hành tinh của chúng ta không, loài người có nguồn gốc từ đâu và sự hình thành các hình thái xã hội diễn ra như thế nào… Chúng ta đều muốn biết các phát minh và công nghệ đã được ra đời như thế nào, các sản phẩm và dịch vụ kinh doanh nào đang thịnh hành, các trào lưu nghệ thuật… và nhiều điều cụ thể hơn nữa.
.
2. Learning to DO / Học để LÀM: là ứng dụng các kiến thức đã biết vào thực tiễn, tạo ra những kết quả cụ thể trong thực tế.
.
Đây không chỉ là các kỹ năng nghề nghiệp mà còn là năng lực giải quyết vấn đề trong bối cảnh mình đang sống. Như khi chúng ta hiểu được về hệ sinh vật và sinh thái thì chúng ta sẽ có những cách gì để bảo vệ môi trường; chúng ta kết hợp cùng với kiến thức về hóa học và công nghệ như nào để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường hay xử lí rác thải hiệu quả, bảo vệ những vùng biển và rừng đang bị nguy hại… Chúng ta hiểu về thị trường và khách hàng, như vậy chúng ta sẽ có những chiến lược gì để thu hút khách hàng và tăng doanh số… Chúng ta hiểu về các hình thái xã hội, vậy chúng ta sẽ tham gia hay khởi xướng các hoạt động nào để tạo ra một xã hội công bằng, giúp người nghèo vượt khó, giúp trẻ em đến trường, giúp địa phương và đất nước phát triển…
.
3. Learning to LIVE TOGETHER / Học để CHUNG SỐNG: là nhận thức mỗi chúng ta là một phần của xã hội loài người và chúng ta có những mối liên kết tương thuộc với nhau như thế nào, và làm sao để có những mối quan hệ ngày càng được vun đắp.
.
Ví dụ như chúng ta là một thành viên trong gia đình, một người học sinh trong nhà trường, một nhân viên trong công ty, một công dân của đất nước, mà rộng nhất là một công dân toàn cầu. Một con người không thể không có nguồn cội và không thể sống một mình. Chúng ta biết ơn và có trách nhiệm với những ai và những điều gì; và chúng ta có quyền tác động và thay đổi những gì trong những nơi mà mình đang chung sống với người khác. Chúng ta có những mục tiêu chung gì; chúng ta cần giao tiếp, tương tác, giải quyết mâu thuẫn như thế nào; chúng ta thấu hiểu người khác, tôn trọng sự đa dạng và sống hòa bình với nhau ra sau.
.
4. Learning to BE / Học để THÀNH: là học để tu thân / sửa mình, để phát triển cá tính cá nhân và ngày càng trở nên tự chủ hơn, là hình thành động lực và năng lực học tập suốt đời để mỗi cá nhân tự phát triển tiềm năng của mình.
.
Đây là mục tiêu học tập ngang hàng với nhu cầu cao nhất trong Tháp nhu cầu của Maslow là “Hiện thực hóa con người mà mình muốn / self-actualization”, học để giúp chúng ta trở thành phiên bản mà mình muốn.
.
Do đó, chúng ta học cách để có thể tự đào luyện bản thân theo định hướng của mình. Trong quá trình học, chúng ta cần tìm ra những khao khát của chính mình và những sở trường, giá trị mà mình có thể đóng góp tốt nhất và trang bị cho mình những năng lực hay công cụ để tiến xa trên con đường mình chọn.
.
Trích
Sư phạm Khai phóng
TS. Giản Tư Trung
Commenti