top of page

Dạy học theo dự án - phát triển kiến thức, kỹ năng thông qua các dự án học tập

  Dạy học theo dự án (Project-based Learning - PBL) là phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm (Student-centered Learning). Phương pháp giáo dục này này giúp học sinh phát triển kỹ năng và kiến thức thông qua những hoạt động mang tính mở, từ đó khuyến khích học sinh tạo ra những sản phẩm của chính mình. Chủ đề của dự án thường được đặt ra dựa trên những thách thức hoặc vấn đề mà các bạn học sinh có thể gặp phải trong cuộc sống bình thường. Phương pháp Dạy học theo dự án đang được nhiều trường áp dụng, đặc biệt những trường chất lượng cao, trường quốc tế.

  Hiểu được những điều mà học sinh thật sự cần cho tương lai, E-STAR sẽ đẩy mạnh áp dụng phương pháp Dạy học theo dự án thông qua dạy học tiếng Anh tại Trung tâm trong thời gian tới, giúp cho quá trình học tập của học sinh trở nên thú vị hơn, đồng thời cũng đem lại nhiều giá trị bền vững cho học sinh.

Các hình thức dạy học theo dự án

Phương pháp dạy học theo dự án được chia theo những tiêu chí khác nhau phù hợp với nội dung học tập.

Theo thời gian thực hiện dự án

Khi phân loại theo thời gian, phương pháp Dạy học theo dự án sẽ được chia thành 3 mức với lượng thời gian thực hiện dự án khác nhau:

  • Dự án nhỏ: Dự án sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 giờ, tính theo số giờ học.

  • Dự án trung bình: Dự án sẽ được thực hiện trong vài ngày (tính theo ngày của dự án) với khoảng thời gian đến 40 giờ học.

  • Dự án lớn: Dự án có thể kéo dài trong nhiều tuần với lượng thời gian nhiều hơn 40 giờ học.

Theo nhiệm vụ thực hiện dự án

  • Dự án nghiên cứu: Các dự án về nghiên cứu sẽ giải thích các hiện tượng, các vấn đề diễn ra trong cuộc sống và các quá trình diễn ra sự việc.

  • Dự án tìm hiểu: Các dự án hướng đến khảo sát các đối tượng cụ thể.

  • Dự án kiến tạo: Các dự án thực hiện các hành động thực tiễn hay các hoạt động nhằm tạo ra các sản phẩm vật chất như đồ trang trí, tiến hành một buổi biểu diễn, sáng tác…

Theo mức độ của nội dung học

  • Dự án thực hành: Dự án trên cơ sở vận dụng các kiến thức đã học, kiến thức thực tế và kỹ năng cơ bản nhằm tạo ra sản phẩm.

  • Dự án tích hợp: Dự án tích hợp nhiều nội dung hoạt động như nghiên cứu lý thuyết, tìm hiểu thực tiễn, giải quyết vấn đề, thực hiện các hoạt động thực hành…

Ngoài các cách phân loại trên, phương pháp dạy học theo dự án còn có thể phân loại theo sự tham gia của người học (dự án cá nhân, dự án nhóm, dự án lớp…); phân loại theo chuyên môn (dự án môn học, dự án ngoài môn học, dự án liên môn)…

Dạy học theo dự án là phương pháp dạy học
lấy học sinh làm trung tâm

Vai trò của Giáo viên và Học sinh trong Dạy học theo dự án 

 

  Trong phương pháp Dạy học theo dự án, Giáo viên và học sinh đóng vai trò quan trọng và liên quan mật thiết với nhau. Cả hai cần phải làm tròn vai trò của mình để có thể tổ chức dự án thuận lợi hơn.

Vai trò của học sinh

Mục tiêu chung của giáo dục đều là hướng đến học sinh. Học sinh chính là người tiếp thu các phương pháp và quyết định cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề đặt ra. Ở phương pháp dạy học theo dự án, học sinh đóng vai trò là người giải quyết các vấn đề bằng kỹ năng và kiến thức của mình thông qua phối hợp làm việc nhóm.

Học sinh cũng là người trình bày sản phẩm, trình bày những kiến thức thu được từ việc làm ra sản phẩm, từ đó đánh giá và đúc kết lại những ưu nhược điểm của mình và những bạn khác.

Vai trò của giáo viên

Nếu ở phương pháp giáo dục truyền thống giáo viên là người nắm vai trò chính trong giảng dạy và truyền đạt kiến thức thì ở phương pháp dạy học theo dự án, giáo viên sẽ đóng vai trò là một người hướng dẫn, đứng ở ngoài quan sát và hỗ trợ khi học sinh cần chứ không trực tiếp điều hành như ở mô hình truyền thống.

Giáo viên cần phải tìm cách để học sinh của mình từ nội dung bài học có thể nhìn ra sự tương quan với thế giới bên ngoài, từ đó tập cách tư duy phân tích về cuộc sống, sáng tạo trong học tập.

Giáo viên sẽ là người đứng sau hỗ trợ và hướng dẫn để học sinh có thể tìm hiểu và hoàn thành các nhiệm vụ một cách suôn sẻ. Môi trường làm việc hiệu quả hay không sẽ là do khả năng quản lý của người giáo viên quyết định.

7 yeu to can thiet Day hoc qua du an.png

7 yếu tố cần thiết cho việc Dạy học theo dự án

1. Vấn đề thách thức (Challenging problem)

Một dự án luôn dựa trên một vấn đề có ý nghĩa và cần được giải quyết. Một câu hỏi, một vấn đề hay sẽ giúp học sinh có không gian để xây dựng và khám phá trong suốt quá trình học tập.

2. Không ngừng tìm tòi (Sustained inquiry)

Để thực hiện một dự án, học sinh cần thực hiện một quá trình nghiên cứu mở rộng và chặt chẽ bao gồm thu thập thông tin, nghiên cứu và ứng dụng. Một dự án chất lượng cao sẽ đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ thấu đáo và phân tích các vấn đề hoặc thách thức được đưa ra.

3. Tính thực tế (Authenticity)

Một dự án thiết thực cần liên quan đến bối cảnh thực tế, giải quyết các vấn đề thực tế... Học sinh có cơ hội sử dụng các kỹ năng của thế kỷ 21, nói lên những mối quan tâm, sở thích và vấn đề có liên quan trong cuộc sống của học sinh. Một dự án thiết thực cũng kết nối học sinh với nhau và kết nối học sinh với mọi người, tạo ra trải nghiệm học tập thú vị, độc đáo.

4. Tiếng nói và sự lựa chọn của học sinh (Student voice & choice)

Dạy học theo dự án mang đến cho học sinh cơ hội đưa ra quyết định về những gì các bạn có thể tạo ra và cách thể hiện ý tưởng đó. Cơ hội tự quyết định này tạo ra sự chủ động trong học sinh, thúc đẩy các bạn làm việc chăm chỉ hơn và quan tâm nhiều hơn đến dự án đã chọn của mình.

5. Sự chiêm nghiệm (Reflection)

Một dự án hoàn chỉnh phải bao gồm thời gian để học sinh suy ngẫm. Thời gian để chiêm nghiệm này tạo cơ hội để các bạn nhìn ra những điều chỉnh cần thiết cho dự án và tích lũy kinh nghiệm quý giá để phát triển.

6. Đánh giá và sửa đổi (Critique & Revition)

Dạy học theo dự án khuyến khích học sinh phản hồi, tiếp nhận phản hồi để có những điều chỉnh và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng của mình. Quá trình này có thể nảy sinh những tranh cãi không đáng có, những ý kiến trái chiều... tuy nhiên đó cũng là lúc học sinh áp dụng kỹ năng giải quyến vấn đề.

7. Công bố sản phẩm (Public product)

Bước cuối cùng của dự án là để học sinh công bố sản phẩm, tác phẩm của mình bằng cách chia sẻ, giải thích hoặc trình bày cho mọi người. Điều này cũng giúp tăng cường sự trao đổi giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với phụ huynh hoặc mọi người xung quanh.

Thế giới hiện đại của chúng ta được duy trì và phát triển thông qua việc hoàn thành các dự án.

Các bước vận dụng phương pháp dạy học theo dự án

 

Vận dụng phương pháp dạy học dự án cần có sự tham gia của giáo viên và học sinh với các bước chi tiết sau.

 

BƯỚC CHUẨN BỊ DỰ ÁN

  • Xây dựng ý tưởng buổi học và nhiệm vụ học tập.

  • Chọn chủ đề và các tiểu chủ đề.

Hoạt động của giáo viên:

  • Giáo viên chủ động lên các câu hỏi liên quan tới nội dung bài học và xác định được đối tượng cần học, ý tưởng bài học sao cho những nội dung đó gần với sự hiểu biết của học sinh.

  • Chuẩn bị dụng cụ, tài liệu để thực hiện đề tài.

  • Xác định nhiệm vụ, cách thức tiến hành của học sinh để giải quyết được vấn đề.

Hoạt động của các học sinh:

  • Học sinh phối hợp cùng giáo viên thống nhất các tiêu chí đánh giá.

  • Học sinh làm việc nhóm để chọn chủ đề dự án, xác định các công việc cần làm, chuẩn bị các vật liệu và phương pháp để thực hiện công việc được giao.

BƯỚC THỰC HIỆN DỰ ÁN

Hoạt động của giáo viên:

  • Hướng dẫn, theo dõi và đánh giá cách thức thực hiện của học sinh.

  • Chuẩn bị các điều kiện, vật dụng để học sinh thực hiện dự án. Giáo viên có thể liên hệ khách mời cho học sinh nếu cần.

Hoạt động của học sinh:

  • Khi thực hiện phương pháp dạy học theo dự án, các trưởng nhóm có nhiệm vụ phân công công việc cho các thành viên và đảm bảo tiến trình thực hiện của cả nhóm.

  • Thu thập xử lý các thông tin, đồng thời nhờ sự giúp đỡ cả giáo viên (nếu cần) để đem lại kết quả tốt nhất.

  • Lập báo cáo và hoàn thiện đề tài báo cáo.

BƯỚC KẾT THÚC DỰ ÁN

Giáo viên và học sinh chuẩn bị tài liệu, sản phẩm, điều kiện cho buổi báo cáo.

Hoạt động của giáo viên:

  • Chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi báo cáo dự án.

  • Theo dõi, đánh giá kết quả dự án của các nhóm đồng thời đưa ra những nhận xét, góp ý, định hướng cụ thể để giúp học sinh nâng cao hiệu quả trong những dự án tiếp theo.

Hoạt động của học sinh:

  • Tiến hành giới thiệu sản phẩm.

  • Tự đánh giá sản phẩm dự án của nhóm mình và các nhóm khác.

  • Lưu lại những góp ý của giáo viên và các nhóm khác để ngày càng hoàn thiện.

Đặc điểm của phương pháp dạy học dự án 

Những đặc điểm của phương pháp dạy học dự án sẽ giúp bạn hiểu thêm về hình thức dạy học này.

Định hướng thực tiễn: Chủ đề bắt nguồn từ những tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp sẽ giúp học sinh liên hệ các kiến thức đã học với cuộc sống. Tuy nhiên, những vấn đề đó phải phù hợp với khả năng nhận thức và trình độ của người học để tạo ra những tác động xã hội tích cực.

Định hướng hứng thú người học: Với phương pháp dạy học dự án, sự hứng thú của học sinh với môn học được chú trọng và đầu tư. Theo đó, học sinh được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với bản thân.

Định hướng hành động: Sự kết hợp giữa nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vào hoạt động thực hành là nhiệm vụ hàng đầu khi áp dụng phương pháp dạy học theo dự án. Qua đó, giáo viên kiểm tra, củng cố, mở rộng kiến thức lý thuyết và nâng cao kỹ năng hành động, thực hành của người học.

Mang tính phức hợp, liên môn: Dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều môn học và nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết nhiệm vụ đề ra.

Tính tự lực của người học: Người học cần tham gia tích cực, chủ động trong quá trình học. Bên cạnh việc giáo viên đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, cần đảm bảo mức độ tự lực của học sinh phù hợp với khả năng của người học và độ khó của nhiệm vụ.

Cộng tác làm việc: Dạy học theo dự án rèn luyện tính cộng tác giữa học sinh và giáo viên, kỹ năng làm việc nhóm giữa các thành viên cũng như với các lực lượng xã hội khác. Điều này còn được gọi là học tập mang tính xã hội.

Định hướng sản phẩm: Các sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong những thu hoạch lý thuyết, mà còn có ý nghĩa thực tiễn. Nói cách khác, những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố và giới thiệu.

E-STAR: DẠY TIẾNG ANH & DẠY BẰNG TIẾNG ANH

Ưu điểm và hạn chế của phương pháp Dạy học theo dự án

Ưu điểm

Dạy học dựa trên dự án có nhiều những ưu điểm mà một chương trình giáo dục hiện đại cần phải có như: 

  • Học đi đôi với hành, không học lý thuyết suông mà phải vận dụng tư duy và hành động để sáng tạo.

  • Khơi nguồn cảm hứng cho học sinh

  • Rèn luyện tính trách nhiệm và tự lực của bản thân

  • Luyện khả năng ứng xử và giải quyết vấn đề từ đơn giản đến phức tạp

  • Hình thành kỹ năng tìm kiếm, xử lí hiệu quả thông tin

  • Phát triển khả năng teamwork

  • Nâng cao khả năng đánh giá bao quát một vấn đề, từ đó đưa ra sáng kiến và thực hiện.

Hạn chế

Ưu điểm là vậy nhưng dạy học dự án vẫn có những điều hạn chế như là:

  • Không phải là mô hình phù hợp cho việc truyền đạt tri thức một cách hệ thống cũng như những kỹ năng cơ bản.

  • Cần nhiều thời gian

  • Cần có cơ sở vật chất và tài chính phù hợp

MỘT SỐ HÌNH ẢNH

DỰ ÁN CẮM HOA - Một phần trong Cuộc thi Cắm hoa chào mừng

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023 (Flower Arrangement Competition)

CẢM NHẬN CỦA HỌC VIÊN

VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC THEO DỰ ÁN

KẾT LUẬN

Dạy học theo dự án là một phương pháp giáo dục mang lại rất nhiều lợi ích, học sinh có cơ hội phát huy những thế mạnh của mình, chủ động và sáng tạo hơn trong học tập và nghiên cứu; giúp học sinh phát triển những kỹ năng cần thiết để bước vào thời đại hội nhập và phát triển như hiện nay.

Quý phụ huynh quan tâm đến chương trình học tiếng Anh tại E-STAR, các phương pháp giáo dục đang được áp dụng tại E-STAR, quý phụ huynh có thể liên hệ hotline số điện thoại 0976.77.21.25

bottom of page